Khánh Huyền

Đánh giá ứng viên: Tư duy quan trọng hơn kỹ năng!​

Hai bạn sinh viên học cùng trường, cùng có xuất phát điểm giống nhau nhưng tư duy chính là điều làm nên sự khác biệt.

danh gia ung vien.png


Một bạn A có thành tích học tập rất tốt nhưng lại thiếu đi các trải nghiệm xã hội cần thiết. Điều này sẽ khiến bạn khó hòa nhập với môi trường doanh nghiệp. Bạn sẽ dễ trở thành một con gà công nghiệp trong môi trường công sở đầy mới lạ. Bạn sẽ phù hợp với các kiểu công việc có sẵn và cần người cầm tay chỉ việc. Dù năng lực học tập trước đây của bạn tốt nhưng bạn chỉ có lý thuyết.

Một bạn B có thành tích học tập thấp hơn bạn A nhưng có nhiều trải nghiệm về các công việc từ năm nhất. Từ gia sư đến phục vụ, công tác xã hội, tham gia các chương trình rèn luyện kỹ năng... Bạn còn tự nghiên cứu và tìm hiểu trước về môi trường doanh nghiệp, các công việc sẽ làm cũng như kết nối với những người đi trước để học hỏi. Bạn cũng xác định phải đi thực tập ngay từ năm thứ ba để có trải nghiệm công việc trong tương lai. Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm, biết nắm lấy cơ hội dù là nhỏ nhất, bạn đã được công ty giữ lại làm việc sau một kỳ thực tập xuất sắc.

Ngày tốt nghiệp ra trường, bạn B được xe công ty đưa đón tận nơi. Bạn A thấp thỏm lo âu vì tốt nghiệp đồng nghĩa với thất nghiệp. Bạn A chưa có gì trong tay ngoài các kiến thức đã học từ nhà trường và sách vở. Vậy làm sao để bạn A có thể đuổi kịp bạn B nếu không chịu thay đổi và có tư duy đúng từ lúc đầu đi học?

Lúc này, bạn A nhờ nền tảng kiến thức vững vàng mà bạn không khó để hiểu biết về công việc, các nguyên lý nền tảng, các quy luật chính yếu và cốt lõi nhất. Nhờ sự chăm chỉ, bạn A cũng phần nào bù lại được các kỹ năng còn thiếu. Bạn còn tích cực tham gia học tập thêm, làm nhiều việc hơn, chịu khó quan sát, tìm tòi và nghiên cứu, thực hành nhiều hơn để đạt được kết quả tối ưu. Từ đó, bạn A cũng dẫn thay đổi được năng lực và chính thức bắt tay vào cuộc đua với bạn B.

Thực tế, không ai hiểu chúng ta hơn chính mình. Động cơ, mục đích, động lực của chúng ta đều xuất phát từ chính mong cầu của bản thân. Tuy nhiên, cách mà chúng ta tư duy lại khiến chúng ta trở nên thật sự khác biệt. Steve Jobs đã từng nói tầm nhìn là sự khác biệt giữa người dẫn đầu và những người theo sau.

Do vậy, việc rèn luyện cách thức tư duy, giải quyết vấn đề theo hướng hiểu rõ nguồn gốc, bản chất để tìm ra quy luật, các nguyên lý vận hành luôn là điều cực kỳ quan trọng. Xa hơn, nó giúp cho việc giải quyết các vấn đề triệt để hơn, ngăn ngừa được những hành động tương tự có thể lặp lại trong tương lai gần.

Khi hai ứng viên có năng lực ngang nhau cho cùng một vị trí, tôi thường chọn người có năng lực tư duy tốt hơn, khả năng nhìn xa hơn và tư duy logic tốt hơn. Đó cũng chính là tiền đề cho việc một nhân viên có trở nên xuất sắc hay không, cách thức tư duy và năng lực nhận thức của bạn là quan trọng. Kỹ năng có thể học được sau 20 giờ nhưng tư duy phải rèn luyện liên tục. Đó là cách mỗi người nhìn nhận, tương tác và tồn tại trong thế giới quan của chính họ.

Nguồn: Bùi Đoàn Chung
Xem thêm…