Văn Toàn

Hành trình để trở thành thợ sửa ô tô.​


Hành trình để trở thành thợ sửa ô tô..jpg


Hành trình của sinh viên ô tô năm 2006


Tôi năm nay vừa tròn 30 tuổi, đã kết hôn và có 1 cậu con trai hóm hỉnh hơn 3 tuổi. Đáng ra ở cái tuổi 30 này thì đa số đã ổn định công việc và kinh tế, nhưng với tôi chưa có cái gì gọi là ổn định. Mọi thứ đều hời hợt, mông lung. Cũng vì kinh tế chưa ổn định mà bản thân tôi đã phải từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn buôn bán tự do theo nghiệp nhà vợ, may thay thu nhập cũng kha khá.

Không nói đến những vụn vặt lo toan cuộc sống hàng ngày, suốt nhiều năm bản thân tôi vẫn luôn trăn trở về nghề nghiệp của mình. Chưa bao giờ tôi ngừng nghĩ về nó, không vui cũng vì nó, đó là nghề sửa chữa ô tô. Cứ mỗi lần có ai nhắc đến 2 chữ “ô tô”, là trong tôi lại dâng lên một nỗi buồn còn vương vấn mãi.

Niềm đam mê khởi đầu


Năm 2006, tôi tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành cơ khí ô tô. Từ khi học cấp III, bản thân tôi vẫn chưa thể nào định hướng được nghề nghiệp mà mình muốn theo đuổi. Chính lẽ vì thế mà khi anh tôi bảo tôi theo học sửa chữa ô tô, bản thân tôi đã chẳng đắn đo và đi theo nó từ đó.

Lâu dần hình thành trong tôi niềm đam mê thích thú, có đôi chút oai oai của một cậu nhóc mới lớn. Trong lúc đi học, tôi hay mơ tưởng rằng mình sẽ trở thành một kỹ thuật viên sửa chữa ô tô giỏi cỡ này cỡ kia.

Sau này nghĩ lại mới thấy đó chỉ là những mơ tưởng viển vông của những cậu nhóc mới chập chững bước vào cuộc sống. Kết thúc 3 năm học cao đẳng với tấm bằng tốt nghiệp trên tay, bản thân tôi vẫn không biết nên bắt đầu từ công việc gì. Bởi vì 3 năm học chẳng mấy lần được mò mẫm vào chiếc ô tô, nên đừng nói đến chuyện sửa chữa ô tô.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, mọi thứ đều là do mình cả mà thôi. Ít nhiều nhà trường đã cho tôi kiến thức cơ bản, chỉ tại bản thân không chịu cố gắng, kiên trì và nhẫn nại. Bởi vì ít nhất cũng có mấy thằng tiếp tục theo nghề và tự mở cho mình garage trong số năm mươi mấy thằng đấy thôi.

Quả thực bản thân tôi rất khâm phục những người bạn đó, chắc hẳn chúng nó đã trải qua một quá trình đầy vất vả và gian nan rồi mới có thể tiến xa đến được như vậy.

Hành trình vào nghề và bỏ nghề sửa chữa ô tô

Sau khi ra trường một thời gian, tôi học lái xe để lấy thêm cái bằng B2 để đi xin việc. Nhưng mà khi đến phỏng vấn, thì garage nào cũng: “Em có kinh nghiệm sửa chữa bao nhiêu năm rồi…, sinh viên mới ra trường chỗ anh không nhận”. Nghĩ thôi cũng thấy chán.

Sau một thời gian đi xin việc từ garage đến garage khác, cuối cùng tôi cũng được nhận vào học việc với lương tháng 500.000 nghìn. Vỡ mộng, đi làm mới biết được, mọi thứ đều lạ lẫm khiến bản thân tôi bỡ ngỡ.

Một thanh niên mới ra trường chưa từng trải đời, đi làm thì đường xa tới 30km, làm việc thì bị chửi không thương tiếc, lương tháng thì chỉ đủ tiền đi lại, không dám ăn sáng, nhiều khi nghĩ đến mà nản lòng.

Sau một quãng thời gian đi làm, cuối cùng tôi đành bỏ dở và tìm công việc mới. Thi thoảng tôi vẫn tìm mua các tạp chí xe hơi và năm nào cũng đi xem các triển lãm ô tô để tìm hiểu thêm về xe.

Tiếp tục quay trở lại với nghề sửa chữa ô tô


Thời gian thấm thoát thoi đưa, đến nay tôi cũng đã lấy vợ được 5 năm. Và giờ đây sau 7 năm xa cách nghề ô tô tôi lại trở về với nó, chấp nhận một sự thật có phần chạnh lòng: được vợ nuôi.

Và khi trở lại thì vẫn là cái cảm giác không mấy phần vui vẻ, chỉ toàn buồn chán và lo âu. Garage hiện tại mà tôi đang làm mới khai trương được hơn 3 tháng chỉ vỏn vẻn 5-7 xe vào, mà công việc chủ yếu là bảo dưỡng má phanh, thay dầu nhớt, học việc.

Garage gì mà cả thợ học việc tới thợ chính làm công việc liên quan đến nghề thì ít mà rửa xe máy ô tô thì nhiều., chủ yếu là chờ 10 con xe cho thuê của ông chủ hỏng để sửa. Sau một thời đi xin việc tại nhiều nơi tôi mới được nhận vào đây, vậy mà như thế này đây. Thấy mà chán, tâm trạng lo lắng, bất an.

Ông chủ garage là dân kinh doanh dịch vụ cho thuê xe, ông không biết chút gì về việc sửa chữa ô tô cả nên hầu như ai nộp hồ sơ cũng nhận hết cho đủ nhân viên kịp ngày khai trương. Lúc đầu thì nhân viên cũng đông lắm nhưng rồi lần lượt cũng dứt áo ra đi, cuối cùng chỉ còn lại vỏn vẹn 6 người: 1 thợ chính, 2 thợ sơ, 2 thợ học việc và 1 quản lý kiêm rửa xe…

Bản thân cũng lưỡng lự, phân phân khá nhiều, học hành như này thì biết khi nào mới có thể bắt được bệnh, sửa chữa được thuần thục. Các dòng ô tô ngày nay thì càng ngày càng hiện đại và được trang bị rất nhiều hệ thống điện tử thông minh, các hệ thống động cơ – an toàn tiên tiến thân thiện với môi trường hơn.

Vẫn chưa xác định được hướng nghề


Nên việc thấu hiểu để có thể sửa chữa chúng càng ngày càng khó khăn. Vậy làm thế nào để có thể thấu hiểu và sửa chữa chúng? Liệu có trường lớp nào đào tạo bài bản chuyên nghiệp hay không? Hay chỉ là người thợ đi trước truyền đạt lại kinh nghiệm của mình cho người đi sau?

Bản thân tôi luôn thắc mắc rằng để trở thành một người thợ sửa chữa ô tô thành thục phải làm như thế nào? Hay đơn giản chỉ cần tìm một người thợ đi trước rồi tôn lên làm sư phụ và cố gắng kiên trì học hỏi tích lũy kinh nghiệm là được?

Tôi chỉ hy vọng hoàn thành tốt mục tiêu của mình, xóa tan đi niềm trăn trở luôn thường trực, tạo dựng một cái gì đó vững chắc cho tương lai. Cảm ơn tất cả mọi người, hy vọng tất cả trong chúng ta ai cũng luôn cảm thấy mình nhẹ nhàng, thảnh thơi và hạnh phúc!

Nguồn: Ybox

Bài đọc thêm: "Tại sao có nhiều đàn anh khuyên các em thế hệ sau không nên theo ngành Ô tô"
Xem thêm…