Mason
Cơ hội việc làm nào dành cho sinh viên/kỹ sư ô tô khi “cơn bão” xe điện cập bến?
electric-cars.jpg
Trong những năm gần đây, công nghệ kỹ thuật ô tô nổi lên là một trong những ngành học “hot” nhất ở mảng kỹ thuật – cơ khí. Cùng với đó là sự phát triển chóng mặt của ngành công nghiệp ô tô trong nước cũng như trên thế giới. Tỉ lệ người sở hữu và có nhu cầu sở hữu ô tô tại Việt Nam cũng tăng rất nhanh, yêu cầu đặt ra là các công ty ô tô phải có một hệ thống sản xuất, lắp ráp và một mạng lưới dịch vụ rộng khắp. Điều này đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn để vận hành, phát triển. Vậy nên đây làm miếng bánh “béo bở” mà bất kì sinh viên nào cũng thèm muốn.
Thời gian gần đây, khi các công ty ô tô trên thế giới đang chạy đua trong lĩnh vực sản xuất xe điện, khiến cho thị trường ô tô trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Cùng với đó, việc tiêu chuẩn khí thải tại các khu vực ngày một khắt khe càng thúc đẩy quá trình “điện khí hóa” của các hãng xe diễn ra mạnh mẽ hơn. Vậy điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cơ hội việc làm của anh em kỹ sư chúng ta? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Điện hóa một chiếc ô tô sẽ thay đổi những gì?

Một chiếc xe điện sẽ không còn khối động cơ đồ sộ cùng với đó là những cơ cấu, hệ thống phức tạp nữa. Thay vào đó là động cơ điện, cái mà không cần đến cơ cấu phân phối khí hay hệ thống bôi trơn, hệ thống cung cấp nhiên liệu,… Vì thế xe điện sẽ “sạch” hơn rất nhiều so với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.
Hệ dẫn động của xe điện phổ biến nhất đã loại bỏ tới 20 bộ phận chuyển động so với xe động cơ đốt trong. Do đó việc bảo dưỡng sẽ ít hơn.

Vậy việc điện khí hóa ô tô ảnh hưởng như thế nào đến công việc hiện tại và cơ hội việc làm của những kỹ sư ô tô trong tương lai?

Có lẽ có rất nhiều bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường hay anh em kỹ thuật viên đã từng băn khoăn rằng mình sẽ làm gì với 1 chiếc xe điện. Thực chất những cơ hội việc làm truyền thống trong lĩnh vực ô tô sẽ không thay đổi, vẫn sẽ cần những kỹ sư, những kỹ thuật viên, sales hay cố vấn dịch vụ,… Tuy nhiên cách tiếp cận và khối lượng công việc sẽ có sự khác biệt đáng kể so với xe chạy xăng, dầu truyền thống. Đặc biệt là công việc sửa chữa và bảo dưỡng, một chiếc xe điện sẽ ít chi tiết và hệ thống cần được bảo dưỡng thường xuyên hơn và càng ngày thì chất lượng hoàn thiện xe điện càng cao, thậm chí có thể chạy khi ngập hoàn toàn trong nước.
Xe điện sẽ giúp công việc của anh em sửa chữa trở nên nhẹ nhàng và “sạch sẽ” hơn đáng kể. Tuy nhiên, “hiện đại thì hại điện”, càng hiện đại thì khi hỏng hóc càng khó xử lý.
Một chiếc xe điện sẽ “thông minh” hơn xe ô tô truyền thống rất nhiều vì đa số các hãng khi sản xuất xe điện đều hướng tới mục đích “tự hành”. Việc này đòi hỏi các kỹ sư sản xuất cũng như bảo dưỡng phải có chuyên môn rất cao vì mỗi hãng sẽ dùng một công nghệ tự hành khác nhau, sử dụng những loại cảm biến, phần mềm khác nhau,… yêu cầu kỹ thuật viên phải nắm bắt và hiểu tường tận về chúng.
Ngoài những hạng mục bảo dưỡng về các chi tiết cơ khí truyền thống, xe điện đòi hỏi kỹ thuật viên phải hiểu biết về bảo trì, cập nhật phần mềm, các loại cảm biến, pin, động cơ điện, camera,… có thể nói xe điện đem đến không ít thách thức cho đội ngũ kỹ thuật viên nói riêng và lực lượng nhân sự trong ngành ô tô nói chung vì cứ cái gì liên quan đến công nghệ thì sẽ rất khó tiếp cận và “thấu hiểu”.
Việc điện hóa ô tô cũng mang đến những cơ hội việc làm mới, trong đó phải kể đến là lĩnh vực lập trình nhúng trên ô tô. Thực chất đây không phải là một ngành mới, vì nó đã xuất hiện cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, khi “cơn bão” xe điện cập bến thì vai trò của nó mới có thể được phát huy tối đa. Việc vận hành một chiếc xe điện sẽ cần rất nhiều đến lập trình, cấp độ tự hành càng cao thì yêu cầu về lập trình càng nhiều. Đây có thể coi là mảnh đất màu mỡ dành cho những sinh viên ô tô hay anh em kỹ sư đã quá chán với công việc “dầu nhớt” và muốn trở thành “ông anh sinh năm 96” tháng kiếm vài nghìn đô. Dĩ nhiên sự cạnh tranh ở lĩnh vực này cũng không hề nhỏ vì nó liên quan khá nhiều đến công nghệ thông tin, ngoài những kỹ sư ô tô khác bạn sẽ phải cạnh tranh với cả những kỹ sư công nghệ thông tin vốn đã rất hiểu về lập trình. Ngoài ra còn có một số công việc liên quan đến bảo trì, cập nhật phần mềm hoặc kinh doanh trạm sạc.
Có thể thấy “cơn bão” xe điện sẽ mang đến rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội cho anh em kỹ sư ô tô. Điều quan trọng là chúng ta phải biết nắm bắt cơ hội, để bản thân không bị “cơn bão” đó cuốn đi.

Trên đây là những chia sẻ hoàn toàn mang tính cá nhân của bản thân mình, từ những kiến thức và những thông tin mà mình tìm hiểu được. Nếu có gì thiếu sót mong anh em góp ý để chúng ta có cái nhìn thấu đáo hơn về vấn đề này nhé.

Chúc anh em thật nhiều sức khỏe!​
Xem thêm…
Super cars
Cơ hội về mức lương mới sẽ rất hấp dẫn
Văn Toàn
Sửa chữa xe điện có vẻ khó các bác nhỉ
T
Nhiều cơ hội cũng nhiều thách thức
Thành Phạm
Cảm ơn chia sẻ của bác