Văn Toàn

Tâm thư của người thợ sửa chữa đến chủ gara​

Tâm thư của người thợ sữa chữa đến chủ gara.jpg


Nghề sửa chữa ô tô là một nghề có thể thăng tiến với bất kỳ ai, và ai cũng có cơ hội nhận mức lương cao. Tuy nhiên, để trở thành một người thợ sửa chữa ô tô giỏi không phải dễ, cần phải có sự chăm sóc, chỉ bảo tận tình của những người đi trước, nhất là các ông chủ gara.

Những điều dưới đây, là tâm sự của các anh em thợ sửa ô tô từ đáy lòng. Tuy không phải ông chủ nào cũng khó khăn, nhưng mong các bạn sẽ làm được những điều tốt hơn với thợ của mình, những người đang đồng hành cùng bạn.

Xuất phát như nhau.


“Đời người khó chọn được nghề, mà nghề nó chọn lấy mình” – Làm thợ sửa chữa ô tô đã dành hết cả tuổi thanh xuân để có thể theo đuổi nó, sẵn sàng chịu khó, chịu khổ để cùng các chủ gara phát triển, vì vậy các chủ gara hãy trân trọng và biết cách ứng xử tốt với những người thợ của mình hơn.

Xin hỏi các ông chủ gara, có mấy ai là không từ một người kỹ thuật sửa chữa ô tô mà lên, các bạn cũng đã trải qua quãng ngày gian khổ, cũng đã từng kinh qua biết bao nhiêu gara, đã từng bị các ông chủ trước chỉ trích, nặng lời, vậy tại sao các bạn khi làm chủ vẫn làm như vậy đối với nhân viên của mình.

Không nên lấy việc đã từng chịu khổ của mình để gán lên những người đi sau. Đối với những người vào nghề, ai cũng có cái lần đầu tiên, vì vậy hãy giúp đỡ họ. Nếu như các bạn chỉ tuyển những người có kinh nghiệm, thì những người mới lấy đâu cơ hội thăng tiến, và cũng phải hỏi lại, liệu bạn vừa mới vào nghề thì đã giỏi liền như yêu cầu của các bạn?.

Đâu cũng có người này người kia – hãy trân trọng thợ của mình

Đã qua thời kỳ chỉ ôm khư khư cái kinh nghiệm của mình làm kho báu. Ngày nay, để việc sửa chữa ô tô có thể phát triển, các bạn hãy là người vừa có tâm, vừa có tầm để có thể đào tạo được nhiều hơn nữa những người đi sau có được nhiều kiến thức thực tế vững hơn.

Cuộc sống sẽ có những kẻ gian manh, kẻ trung thực, nhưng bản chất của con người vẫn là sự yêu quý lẫn nhau. Bất kỳ công việc nào cũng vậy, chỉ cần một lời quan tâm nhỏ của các bạn sẽ làm cho động lực của anh em được tăng cao hơn.

Biết bỏ qua những lỗi lầm, để không trách móc. Hãy cho thợ của mình thấy những sai lầm của họ để họ sửa sai và rồi trung thành với mình, chứ không phải là những lời to tiếng lớn. Đã làm chủ thì phải biết dùng người, biết bình tĩnh để xử lý tình huống, như vậy mọi việc sẽ trôi chảy. Bởi trong đời, ai mà chẳng có lỗi lầm. Họ nhiệt huyết và trung thành với bạn hay không, đó chính là do bạn mà thôi.

Ai là người cùng bạn khi khó khăn​


Tại sao những lúc xe đông, công việc nhiều, thợ sẵn sàng bỏ thời gian tăng ca, thậm chí là tăng ca rất nhiều. Không phải là vì họ không có thế giới riêng, không phải là họ không có những mối quan hệ ngoài xã hội, họ còn có gia đình, người thân bạn bè.

Thế nhưng họ sẵn sàng lựa chọn tăng ca để vừa giúp mình vừa giúp bạn. Khi vượt qua khó khăn rồi, hãy nhớ những công sức mà thợ bỏ ra, và hãy trao cho họ những đồng lương tốt, đúng với giá trị mà họ đã mang lại cho bạn.

Chẳng ai muốn phải nhảy việc, nếu bạn thực sự tốt, bạn trả mức lương xứng đáng cho họ, trong khi làm thợ ai mà không muốn được yên ổn, để có thể học hỏi, nâng cao kinh nghiệm, ai cũng muốn làm tốt để được khen thưởng và có mức lương cao hơn. Câu trả lời này chắc chắn các chủ gara như bạn sẽ trả lời được.

Khi thắng, bạn sẽ mất tất cả​


Giữa chủ và thợ cần là một mối quan hệ kinh doanh, người bán sức – người mua sức. Và tất nhiên trong mối quan hệ này phải là Win – Win, hai bên đều có lợi. Chỉ cần một người thắng và một người thua trong cuộc đàm phán này, sẽ làm cho mối quan hệ không được tốt, và người thua thường là người thợ.

Các bạn hỏi vì sao ngày nay tuyển thợ khó thế, thợ không có tâm huyết cho gara, thợ không trung thành, thợ đòi lương cao… Thì các bạn phải đặt lại câu hỏi cho mình rằng, liệu các bạn đã có tâm với thợ của mình chưa, đã bao giờ hỏi han và quan tâm họ đang nghĩ gì hay chưa, hay đã bao giờ nghĩ trả lương cho họ như vậy là xứng đáng hay chưa.

Nếu ai cũng giỏi như các bạn, ai làm cũng mở gara, thì lấy đâu ra thợ để các bạn thuê. Mỗi người có những quan điểm sống riêng, quyền lựa chọn nghề nghiệp riêng, vì vậy bạn đừng nên quá áp đặt suy nghĩ của bạn lên họ, đừng cố ép họ giỏi như bạn. Và trên thực tế cũng sẽ có nhiều người rất giỏi nhưng không đủ kinh tế và họ chỉ muốn làm thợ chứ không thể trở thành chủ được.

Có những người giỏi thật sự, lại bị chèn ép, bởi các bạn sợ chính họ sẽ cạnh tranh lại thị trường với bạn. Những suy nghĩ xấu này đã kéo theo những suy nghĩ lệch lạc và làm cho những người thợ chân chính càng trở nên khổ hơn, khó khăn hơn trong nghề và oán trách nghề.

Cùng suy ngẫm để phát triển​


Sắp tới đây, nền công nghiệp sửa ô tô tại Việt Nam sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa. Các bạn – Các chủ gara ô tô ngày nay, hãy là những người có tâm, có tầm để có thể dẫn dắt gara đi lên và cho người thợ một mức lương cao hơn, một cuộc sống ấm no hơn.

Thợ cũng có dăm bảy loại thợ, chủ cũng có dăm bảy loại chủ, thay vì đi than trách, hãy cùng nhau kéo vững con thuyền của bạn ra khơi một cách tốt nhất bằng cách đồng lòng.

Đọc thêm: Hành trình để trở thành thợ sửa ô tô.
Xem thêm…